Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

NHỮNG STRESS CHUYÊN BIỆT (A. Stress công việc | P.1. Khái niệm, Nguyên nhân)


 
Xin chào các bạn! Cuối năm rồi nên chắc là mọi người bận rộn lắm, nào là hoàn tất những việc tồn đọng năm cũ, thu xếp việc hiện tại để chuẩn bị đón Tết, một vài ngành nghề thì tất bật hối hả chuẩn bị cho ngày khai trương đầu xuân ^_^
  Làm hết cuối tuần này (26 Tết) vuhoanhr cũng được thả để còn về trang hoàng nhà cửa, sắm đồ Tết và chuẩn bị thiệp mừng tuổi cho ba mẹ và các cháu, mong năm nào cũng được làm những việc trên mọi người nhỉ!
  Ở loạt bài viết sắp tới, vh sẽ chia sẻ với mọi người những kiến thức và hiểu biết của mình về Tâm Lý Học trong công tác tổ chức nhân sự, cụ thể là về STRESS.

  Ở đây, chúng ta sẽ không đi chung chung như "Stress là gì? Nguyên nhân do đâu? Khắc phục thế nào?... " vì với tự tiến bộ của khoa học CNTT như hiện nay, mọi người thừa sức tìm được hàng trăm bài viết, hàng ngàn câu trả lời cho những câu hỏi trên chỉ với vài giây gõ phím. Nhưng đa phần, sẽ chỉ là những câu trả lời chung chung, những phương án chỉ dành cho 1 trường hợp cố định nào đó hoặc chỉ đúng về mặt lý thuyết.

  Kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu trước về "Những stress chuyên biệt" (nguyên nhân, triệu chứng và cách đối phó), sau khi đã có kiến thức sơ bộ và cài nhìn thực tế về stress, chúng ta sẽ đi sâu hơn về mặt lý thuyết để hiểu THẬT SỰ stress có phải là bệnh lý và chúng ta cần làm gì để khôn ngoan hơn mỗi khi đối mặt với chúng.

STRESS CÔNG VIỆC
1. Khái niệm:

  Stress công việc là những đáp ứng cơ thể và cảm xúc có hại, xảy ra khi những nhu cầu về công việc không tương xứng với khả năng, nguồn lực hoặc những nhu cầu của người làm việc. Stress công việc có thể dẫn tới sức khỏe kém và thậm chí bị tổn thương.

  Khái niệm về stress công việc luôn bị nhầm lẫn với sự thách thức. Thực ra, thách thức chưa phải là stress. Những thách thức khiến chúng ta mạnh mẽ về tâm lý và cơ thể. Nó là động cơ thúc đẩy chúng ta để học tập những kỹ năng mới và làm chủ công việc của chúng ta. Khi đáp ứng được với thách thức, chúng ta cảm thấy thỏa mãn và thư giãn. Do đó,  thách thức là một phần hợp thành quan trọng cho sức khỏe và năng suất lao động. Và như vậy, tầm quan trọng của thách thức trong cuộc sống lao động, nếu coi như stress thì có thể nói "một chút stress là tốt cho bạn".

  Trong stress công việc, thách thức đã trở nên vấn đề là những đòi hỏi của công việc mà cá nhân không thể đáp ứng, cá nhân trở nên không cảm thấy một sự thỏa mãn mà chỉ cảm nhận một sự căng thẳng, không thể thư giản và bị kiệt sức. Khi đó, cá nhân đã bị tổn thương, bệnh lý và thất bại trong công việc.

2. Nguyên nhân:

  Có 2 nguyên nhân chính: mối tương tác giữa người lao động với các điều kiện lao động, và đặc điểm của người lao động.

  2.1. Điều kiện công việc:

  Stress công việc có nguyên nhân từ mối tương tác giữa người lao động với các điều kiện lao động. Các điều kiện lao động không tốt là yếu tố stress cho hầu hết mọi người, và nó chính là nguồn cơ bản cho stress công việc.

  Những điều kiện công việc có thể dẫn đến stress:

  • Thiết kế những nhiệm vụ:
  Cá nhân bị quá tải bởi những công việc nặng nề, phải làm việc nhiều giờ kéo dài hoặc làm việc theo ca kíp. Những nhiệm vụ đòi hỏi người lao động phải làm việc một cách cuồng nhiệt, đều đều liên tục, không có sự nghỉ ngơi và có ít ý nghĩa gắn bó, không tận dụng kỹ năng của người lao động.

  • Kiểu quản lý:
  Thiếu sự tham dự của người lao động trong việc ra quyết định. Thông tin truyền đạt trong cơ quan nghèo nàn. Thiếu chính sách gia đình và bạn bè thân thiện, hữu nghị.

  • Các mối liên hệ liên cá nhân:
  Môi trường xã hội nghèo nàn và thiếu sự trợ giúp, giúp đỡ lẫn nhau.

  • Các vai trò công việc:
  Người lao động lãnh vai trò trong công việc không rõ ràng, có khi xung đột hoặc chồng chéo nhau. Người làm việc có quá nhiều trách nhiệm, quá nhiều "mũ để đội".

  • Những liên quan nghề nghiệp:
  Sự thiếu an toàn, bấp bênh tron công việc, thiếu cơ hội phát triển, thăng tiến hay thăng chức.

  • Những điều kiện môi trường:
  Những điều kiện không thoải mái, nguy hại về cơ thể như: quá đông đúc, quá ồn ào, ô nhiễm không khí hoặc các vấn đề vệ sinh lao động.

2.2. Đặc điểm của người lao động:

  Những đặc điểm cá nhân như kiểu nhân cách chống đỡ là quan trọng trong công việc tiên đoán liệu các điều kiện lao động có gây ra stress hay không. Thực tế là, có những yếu tố là stress cho một người nhưng có thể không là vấn đề đối với những người khác.

  Theo nghiên cứu của National Institue for Occupational Safety and Health (NIOSH), các điều kiện làm việc đóng vai trò đầu tiên gây ra stress. Tuy nhiên, vai trò của các yếu tố cá nhân không thể được bỏ qua. Tình trạng phơi nhiễm những điều kiện làm việc gây stress (gọi là các yếu tố stress công việc) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và sức khỏe của người lao động; nhưng các yếu tố cá nhân và tình trạng khác có thể can thiệp bằng việc làm mạnh lên hay làm yếu đi ảnh hưởng này.

  Các yếu tố cá nhân và tình trạng khác có thể làm giảm tác động của những điều kiện công việc gây stress gồm:

  + Thăng bằng giữa làm việc với cuộc sống gia đình và cá nhân
  + Mạng lưới trợ giúp của bạn bè, đồng nghiệp
  + Trạng thái thư giãn và cái nhìn dương tính về triển vọng, tương lai.


(các bài viết khác về "Những stress chuyên biệt" sẽ được dẫn backlink ở đây để mọi người tiện theo dõi)
NHỮNG STRESS CHUYÊN BIỆT (A. Stress công việc | P.2. Tác hại, Phòng chống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét